Kỷ niệm 'điềm lành' với bác Nguyễn Phú Trọng, động lực với quan hệ Việt Nam-Australia
Chủ tịch Hạ viện thủ đô Canberra Wayne Berry đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân tại chân cầu thang máy bay, sân bay Canberra, ngày 11/3/2008. (Nguồn: Quốc hội)

​Vào giữa trưa một ngày se lạnh đầu tháng 3/2008, tôi lúc đó đang là Tập sự Phó Vụ trưởng Vụ châu Á 2, Bộ Ngoại giao, nhận được yêu cầu từ Vụ Đối ngoại Văn phòng Quốc hội lên báo cáo gấp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng về tình hình Australia và quan hệ Việt Nam-Australia.

Đồng chí cán bộ bên Vụ Đối ngoại nhắc đi nhắc lại do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng rất bận, nên cần báo cáo ngắn gọn, súc tích trong vòng 15 phút để Chủ tịch nắm tình hình đại cương trước khi thăm Australia từ ngày 11-14/3/2008; Chủ tịch muốn nghe từ người trực tiếp theo dõi, nên không cần mời Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cùng sang.

Tôi vội ăn trưa và đi bộ luôn sang Văn phòng Quốc hội, vừa kịp đến cửa phòng làm việc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lúc 12h55.

Dạo đó, tôi được phân công phụ trách theo dõi quan hệ hợp tác với Australia và các nước Nam Thái Bình Dương, rất tự tin nắm chắc tình hình, nên cũng không mang theo bất cứ tài liệu nào. Tôi còn được 5 phút ngồi nhẩm lại trong đầu một số nét lớn về Australia và quan hệ song phương giữa ta và Bạn, yên tâm là “dư sức” báo cáo Chủ tịch trong 1/4 tiếng đồng hồ.

Đúng 13h00 cửa mở, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thân mật gọi: “Mời đồng chí chuyên gia Bộ Ngoại giao vào”.

Sau cái bắt tay rất chặt, Chủ tịch thong thả trải một tấm bản đồ khu vực Nam Thái Bình Dương lên bàn làm việc rồi nói: “Đây là lần đầu tiên mình sang thăm chính thức Australia, lại chưa đến nước này bao giờ, nên ưu tiên cho đồng chí hẳn 1 tiếng trình bày về lịch sử, đất nước, con người, tình hình chính trị nội bộ, kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại hiện nay của Australia; cũng như toàn bộ các nội dung liên quan về quan hệ giữa ta với Australia”.

Chủ tịch Quốc hội còn hóm hỉnh nói thêm: “Cứ thong thả trình bày thật cặn kẽ và đầy đủ, coi như nói với người lần đầu tiên biết về Australia nhé”.

Tôi hơi giật mình vì theo yêu cầu của bác, cả nội dung và thời gian báo cáo đều rất dài, khác với thông báo của Vụ Đối ngoại Văn phòng Quốc hội, trộm nghĩ biết thế này lẽ ra nên ngồi đọc kỹ hồ sơ trước khi sang báo cáo bác.

Sau một vài giây nhanh chóng suy nghĩ và sắp xếp, tôi lần lượt báo cáo bác từng chủ đề, vừa nói vừa cố gắng lục lại toàn bộ các kiến thức có được về Australia. Cũng may là tôi từng có thời gian đi học ngắn hạn tại Australia 13 năm trước đó, lại thêm được Chủ tịch chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng lại gật đầu khích lệ, nên tôi “làm” một mạch 45 phút báo cáo, cố gắng thật sinh động và sát thực tế.

Ngay khi tôi kết thúc trình bày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nêu hàng loạt câu hỏi về vấn đề người thổ dân Australia, các đặc điểm của 3 thành phố Đoàn ta sẽ đến thăm là Perth, Canberra và Sydney, cơ chế vận hành và phối hợp giữa các cơ quan chính quyền, quốc hội cấp bang và liên bang, thậm chí cả về đặc điểm quốc kỳ, quốc hoa của Australia, cũng như tính cách người Australia…; đồng thời yêu cầu tôi chỉ trên bản đồ các​ ịa danh nổi bật của đất nước chuột túi.

Tranh thủ bầu không khí ngày càng thân mật hơn, tôi xin phép được xưng là “cháu” vì Chủ tịch đúng bằng tuổi cụ thân sinh tôi, đồng thời vừa báo cáo, vừa mạnh dạn xin bác có một số chỉ đạo về định hướng quan hệ Việt Nam với Australia trong những năm tới.

Sau một thoáng trầm ngâm suy nghĩ, bác Nguyễn Phú Trọng thong thả nói: “Australia là nước có tiềm lực rất lớn, ta chơi với họ như chơi với cả một lục địa, họ là nước phương Tây đầu tiên bình thường hóa quan hệ với ta, rất có thiện chí. Cần tính toán sớm nâng cấp quan hệ với Australia để tranh thủ tốt hơn tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực khai khoáng, năng lượng, bảo vệ môi trường, giáo dục đào tạo, du lịch; cũng như tiếp tục tranh thủ nguồn ODA bạn hỗ trợ. Ngoài ra, có thể nghiên cứu mô hình phát triển bền vững của Australia, nhất là khi họ khai thác mỏ nhiều như vậy mà vẫn giữ gìn được môi trường. Lần này đồng chí chuyên gia đi cùng tôi thăm Australia, kết thúc chuyến thăm tôi sẽ có thêm một câu hỏi nữa”.

Tôi cảm ơn và đứng dậy xin phép bác ra về, đến cửa phòng liếc nhìn đồng hồ vừa vặn 2h15 phút. Như vậy, tôi đã báo cáo bác trong khoảng thời gian gấp 5 lần “đặt hàng” của Vụ Đối ngoại Văn phòng Quốc hội.​​


Kỷ niệm 'điềm lành' với bác Nguyễn Phú Trọng, động lực với quan hệ Việt Nam-Australia
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Thượng viện Australia Alan Ferguson hội đàm, tháng 3/2008. (Nguồn: Quốc hội)

Sau đó vài ngày, tôi đã vinh dự được là một thành viên trong đoàn tùy tùng tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm hữu nghị chính thức Australia. Các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm diễn ra liên tục, trải từ bờ Tây sang bờ Đông đất nước Australia rộng lớn. Do đó, khi kết thúc chuyến thăm, tôi quên khuấy việc phải “chuẩn bị tinh thần” để trả lời thêm một câu hỏi nữa của bác.

Cho đến khi chuyên cơ đang chuẩn bị rời không phận Australia để tiếp tục đến chặng thăm kế tiếp là Nhật Bản, mọi người vừa dùng bữa tối xong và đang lim dim ngủ, tôi giật mình khi bác từ khoang thương gia đi xuống ngồi ngay ghế bên cạnh, nắm tay tôi và thân tình hỏi: “Cháu thấy kết quả chuyến thăm Australia lần này thế nào? Cứ mạnh dạn nói. Có thực chất không?”.

Tôi phấn khởi nói: “Quá tốt chứ ạ. Cháu chỉ xin nhấn mạnh một điểm nổi bật nhất về kết quả: Biên bản hợp tác ký giữa Quốc hội hai nước dịp này là một Biên bản hợp tác lần đầu tiên cơ quan lập pháp Australia ký với một đối tác nước ngoài đấy ạ”. Bác khẽ gật đầu, mỉm cười hiền hậu, nắm tay tôi một lần nữa rất chặt.

Kỷ niệm 'điềm lành' với bác Nguyễn Phú Trọng, động lực với quan hệ Việt Nam-Australia
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Hạ viện Harry Jenkins, tháng 3/2008. (Nguồn: Quốc hội)

Đã hơn 16 năm trôi qua, tôi vẫn không bao giờ quên kỷ niệm đặc biệt với Bác Nguyễn Phú Trọng, một nhà Lãnh đạo kiệt xuất với phong cách giản dị, gần gũi, tầm nhìn minh tuệ, sáng suốt vượt trước thời đại.

Lần lượt trong những năm tiếp theo, quan hệ Việt Nam-Australia liên tục đạt những tầm cao mới: Đối tác toàn diện năm 2009, Đối tác toàn diện tăng cường năm 2015, Đối tác chiến lược năm 2018 và Đối tác chiến lược toàn diện tháng 3/2024.

Các lĩnh vực hợp tác bác đề cập từ năm 2008 cũng trở thành những lĩnh vực hợp tác trọng yếu giữa hai nước hiện nay. Chỉ tiếc là sau này, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, bác chưa có dịp thăm lại Australia để chứng kiến những thành tựu vượt bậc trong quan hệ song phương, mặc dù phía Bạn nhiều lần đặt vấn đề mời, lần gần nhất là trong dịp Thủ tướng Australia thăm chính thức Việt Nam vào tháng 6/2023.

Kỷ niệm với bác cũng vừa là “điềm lành”, vừa là động lực để tôi phấn đấu và trở thành Đại sứ Việt Nam tại Australia từ tháng 2 năm nay.

Trong một buổi chiều giá lạnh tại thủ đô Canberra, với lòng tiếc thương vô hạn, tôi xin có mấy dòng để cùng chia sẻ với bạn đọc. Đây cũng xin được coi là một nén nhang kính cẩn dâng lên hương hồn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Kỷ niệm 'điềm lành' với bác Nguyễn Phú Trọng, động lực với quan hệ Việt Nam-Australia
Đại sứ Phạm Hùng Tâm trình Thư ủy nhiệm lên Toàn quyền Australia David Hurley,ngày 28/2.(Nguồn: ĐSQVN tại Australia)​