Tuesday, December 31, 2024
en-USvi-VN

About Vietnam

Thursday, May 13, 2021

Thông tin về bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

  1.Thông tin về bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

            Ngày 23/5/2021, cử tri Việt Nam sẽ đi bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của Việt Nam, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

           

            2. Các nguyên tắc trong bầu cử

            Trải qua 14 cuộc tổng tuyển cử, các nguyên tắc bầu cử của Việt Nam đã được kế thừa, phát huy và hoàn thiện, để phù hợp với chế độ của Nhà nước và đảm bảo tính dân chủ. Những nguyên tắc bầu cử được quy định trong Hiến pháp 2013 và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 tiếp tục khẳng định: bầu cử ở Việt Nam gắn mật thiết dân chủ, thông qua cuộc bầu cử tự do và công bằng để đảm bảo cho việc tôn trọng các quyền tự do, dân chủ của người dân.

            Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín là 4 nguyên tắc cơ bản, đã được luật hóa thành những luật định quan trọng trong quá trình chuẩn bị bầu cử ở Việt Nam.

            Nguyên tắc phổ thông là nguyên tắc rất quan trọng được khẳng định tại Điều 7 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo cho tất cả công dân không bị phân biệt dựa trên căn cứ thành phần dân tộc, tín ngưỡng, địa vị xã hội, giới tính.

            Nguyên tắc bình đẳng là mỗi người, mỗi cử tri chỉ được một lá phiếu, tức là chỉ được bầu một nơi chứ không được bầu nhiều nơi. Mọi lá phiếu đều có giá trị như nhau, không phân biệt lá phiếu của người giầu, người nghèo, người già, người trẻ, người có địa vị cao hay địa vị thấp. 

            Nguyên tắc trực tiếp nhằm đảm bảo cho người dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong lựa chọn người đại biểu. Cụ thể, cử tri được trực tiếp bỏ phiếu vào thùng phiếu mà không qua người trung gian, cử tri cũng trực tiếp lựa chọn người mình bỏ phiếu, không được nhờ người khác bầu hộ, không bầu bằng cách thức gửi thư.

            Nguyên tắc cuối cùng là bỏ phiếu kín nhằm đảm bảo tôn trọng quyền tự do thể hiện ý chí của cử tri, tạo điều kiện để quá trình lựa chọn của mỗi cử tri không bị tác động, ảnh hưởng của các cá nhân hoặc tổ chức khác. Bỏ phiếu giúp cho người bỏ phiếu là được hoàn toàn tự do bỏ phiếu mà không sợ ai biết mình bầu cho ai, cho nên tất cả các nước trên thế giới để thực hiện nguyên tắc bỏ phiếu kín thì đều phải ngăn và che chắn thành các ô để mọi người hoàn toàn tự do khi bỏ phiếu.

  3. Thông tin về ứng cử viên Đại biểu Quốc hội

            Hội đồng bầu cử Quốc gia đã được thành lập, gồm 21 thành viên, do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch lần lượt là Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tich thường trực Quốc hội, Bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước, Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ông  Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch thường trực Chính phủ và 16 thành viên khác.

            Hội đồng Bầu cử quốc gia đã chính thức công bố danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV do Trung ương giới thiệu là 203 người; địa phương có 665 người, đạt tỷ lệ 1,74 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu, trong đó có 9 người tự ứng cử.

            Về cơ cấu: Người ứng cử là nữ: 393 người, chiếm tỷ lệ là 45,28%; người ứng cử là người dân tộc thiểu số: 185 người, chiếm tỷ lệ là 21,31%; người ứng cử là người ngoài Đảng: 74 người, chiếm tỷ lệ là 8,53%.

            Về trình độ chuyên môn: Người ứng cử có trình độ trên đại học: 564 người, tỷ lệ: 64,98%; người ứng cử có trình độ đại học: 294 người, tỷ lệ: 33,87%; người ứng cử có trình độ dưới đại học: 10 người, tỷ lệ: 1,15%.

            Về trình độ lý luận chính trị: Cử nhân: 55 người, tỷ lệ: 6,34%; cao cấp: 587 người, tỷ lệ: 67,63%; trung cấp: 111 người, tỷ lệ: 12,79%; sơ cấp: 35 người, tỷ lệ: 4,03%; có 80 người không có chứng chỉ về trình độ lý luận chính trị, tỷ lệ: 9,22%.

            Về trình độ ngoại ngữ, tin học: Hầu hết người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học.

            Người ứng cử là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử: 205 người, tỷ lệ: 23,62%; người ứng cử là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 224 người, tỷ lệ: 25,81%.

            Về độ tuổi bình quân (tính trung bình trong 868 người ứng cử): 46 tuổi (người cao tuổi nhất là 77 tuổi, người trẻ tuổi nhất là 24 tuổi).

            Trong số 203 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở Trung ương:

            Các cơ quan của Đảng: 11 người, tỷ lệ: 5,42%.Văn phòng Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp: 5 người, tỷ lệ: 2,46%. Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương): 129 người, tỷ lệ: 63,55%.  Chính phủ, cơ quan trực thuộc Chính phủ (bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an): 15 người, tỷ lệ: 7,39%. Lực lượng vũ trang: Quân đội (cơ quan bộ, các quân khu, quân chủng và lĩnh vực trọng yếu): 12 người, tỷ lệ: 5,91%; công an: 2 người, tỷ lệ: 0,99%.  Kiểm toán nhà nước: 1 người, tỷ lệ: 0,49%.  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên: 28 người, tỷ lệ: 13,79%.           Về cơ cấu kết hợp: phụ nữ: 45 người (22,17%); dân tộc thiểu số: 22 người (10,84%); tôn giáo: 4 người (1,97%); người ngoài Đảng: 4 người (1,97%); trình độ học vấn (trên Đại học: 168 người (82,76%); Đại học: 35 người, (17,24%); dưới Đại học: 0); tái cử: 99 người (48,77%); trẻ tuổi: 5 người (2,46%).

            Trong số 665 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở địa phương:

Người ứng cử là phụ nữ: 348 người, tỷ lệ: 52,33%. Người ứng cử là người dân tộc thiểu số: 163 người, tỷ lệ: 24,51%. Người ứng cử là người ngoài Đảng: 70 người, tỷ lệ: 10,53%.Về trình độ chuyên môn: Người ứng cử có trình độ trên đại học: 396 người, tỷ lệ: 59,55%; người ứng cử có trình độ đại học: 259 người, tỷ lệ: 38,95%; người ứng cử có trình độ dưới đại học: 10 người, tỷ lệ: 1,5%.Người ứng cử là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 219 người, tỷ lệ: 32,93%. Người ứng cử là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử: 106 người, tỷ lệ: 15,94%.

            Hội đồng bầu cử quốc gia căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước sẽ công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chậm nhất là ngày 12 tháng 6 năm 2021 (hoặc 20 ngày sau ngày bầu cử).

Print

Categories: News, Embassy Activities, News on Vietnam Number of views: 6721

Tags:

Gallery